Chứng sợ ánh sáng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị nhạy cảm với ánh sáng
Chứng sợ ánh sáng, hay nhạy cảm với ánh sáng, là sự khó chịu ở mắt do ánh sáng gây ra.
Các nguồn như ánh sáng mặt trời, đèn huỳnh quang và đèn sợi đốt đều có thể gây khó chịu và khiến bạn phải nheo mắt hoặc nhắm mắt. Đau đầu cũng có thể kèm theo nhạy cảm với ánh sáng.
Những người nhạy cảm với ánh sáng đôi khi chỉ khó chịu với ánh sáng rất chói. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, bất kỳ mức ánh sáng nào cũng đều có thể gây kích ứng.
Nguyên nhân gì gây ra chứng sợ ánh sáng?
Chứng sợ ánh sáng không phải là một bệnh về mắt,mà là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc viêm có thể gây kích ứng mắt.
Nhạy cảm với ánh sáng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh tiềm ẩn không ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, chẳng hạn như các bệnh do vi-rút hay đau đầu hoặc đau nửa đầu dữ dội.
Những người có màu mắt sáng hơn cũng có thể gặp phải tình trạng nhạy cảm với ánh sáng ở mức cao hơn trong các môi trường như ánh nắng chói, do mắt có màu tối hơn chứa nhiều sắc tố hơn để bảo vệ trước sự chiếu sáng mạnh.
Các nguyên nhân thường gặp khác gây ra chứng sợ ánh sáng bao gồm trầy xước giác mạc, viêm màng bồ đào và rối loạn hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như viêm màng não. Nhạy cảm với ánh sáng cũng có thể liên quan tới chứng bong võng mạc, kích ứng kính áp tròng, sạm nắng và phẫu thuật khúc xạ.
Chứng sợ ánh sáng thường đi kèm chứng bạch tạng (thiếu sắc tố mắt), khiếm khuyết thị giác màu sắc hoàn toàn (chỉ nhìn được trong các sắc thái xám), chứng ngộ độc thịt, bệnh dại, nhiễm độc thủy ngân, viêm kết mạc, viêm giác mạc và viêm mống mắt.
Đồng thời, một số thuốc kê toa, bao gồm tetracycline và các thuốc kháng sinh khác, cũng có thể có tác dụng phụ là gây ra nhạy cảm với ánh sáng.
Điều trị chứng sợ ánh sáng
Phương pháp điều trị nhạy cảm với ánh sáng tốt nhất là xử lý nguyên nhân tiềm ẩn. Trong nhiều trường hợp, chứng sợ ánh sáng biến mất sau khi yếu tố khởi phát được xử lý hoặc kiểm soát.
Nếu bạn đang dùng một loại thuốc gây ra nhạy cảm với ánh sáng, hãy trao đổi với bác sĩ kê toa của bạn về việc tiếp tục dùng hay là thay thuốc.
Nếu bạn nhạy cảm với ánh sáng một cách tự nhiên, hãy tránh ánh nắng chói hoặc các nguồn chiếu sáng mạnh khác. Đội mũ rộng vành và đeo kính râm có tính năng bảo vệ chống lại tia cực tím (UV) khi ở ngoài trời dưới ánh nắng ban ngày.
Đồng thời, cân nhắc đeo kính có thấu kính đổi màu. Những thấu kính này tự động tối lại khi ra ngoài trời và cũng ngăn chặn 100 phần trăm tia cực tím của mặt trời.
Dưới ánh nắng chói, hãy đeo kính râm phân cực. Những thấu kính này tạo thêm sự bảo vệ trước những phản chiếu ánh sáng gây chói từ nước, cát, tuyết, đường bê tông và các bề mặt phản chiếu khác.
Nếu bạn rất nhạy cảm với ánh sáng, bạn thậm chí còn muốn cân nhắc đeo kính áp tròng giả, kính này được tạo màu đặc biệt để trông giống mắt của chính bạn và cũng giảm lượng ánh sáng đi vào mắt của bạn nhằm làm giảm thiểu hoặc phòng ngừa chứng sợ ánh sáng.
Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021